Người tiểu đường thường gặp các chứng rối loạn về tiêu hóa. Một số biến chứng rối loạn tiêu hoá gặp nhiều nhất là: Tiêu chảy, liệt dạ dày, rối loạn vận động thực quản, sỏi mật trong đường mật và túi mật.
Biến chứng trên đường tiêu hóa thường gặp ở người tiểu đường gồm:
Mục lục
1. Rối loạn tiêu hóa ở người lớn trên thực quản
Đường huyết quá cao là nguyên nhân gây ra rối loạn vận động thực quản. Bệnh nhân đến gặp bác sĩ thường hay than phiền về các triệu chứng: Khó nuốt, nuốt nghẹn, cảm giác nóng rát sau xương ức do trào ngược thực quản dạ dày, có một số bệnh nhân có biển hiện đau ngực, trường hợp này rất dễ nhầm lẫn với cơn đau thắt ngực. Khi bạn gặp các triệu chứng trên bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn nội soi thực quản để loại trừ các nguyên nhân khó nuốt do u thực quản, viêm thực quản hay nhiễm nấm thực quản.
2. Người tiểu đường bị rối loạn tiêu hóa tại dạ dày
Theo các nghiên cứu cho thấy, có tới 30 -50% bệnh nhân tiểu đường lâu năm bị mắc chứng liệt dạ dày. Bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn ra lượng thức ăn nhiều sau khi ăn đã lâu, ăn nhanh no. Chán ăn và nôn nhiều khiến cho bệnh nhân gầy sút nhanh chóng dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu và thiếu vitamin b12.
Dạ dày bị liệt nên không thực hiện được quá trình tiêu hoá nghiền nát thức ăn, do đó việc lưu lại thức ăn quá lâu trong dạ dày sẽ dẫn đến tụt huyết áp, thức ăn kết thành khối gây tắc nghẽn đường tiêu hoá.
3. Tiểu đường bị rối loạn tiêu hóa tại ruột
Bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn tiêu hóa có thể gây ra các biến chứng ở ruột, điển hình là hiện tượng đi ngoài phân lỏng nát hoặc tiêu chảy vào ban đêm 15-20 lần/ ngày, thậm chí có thể lên tới 20 -30 lần/ ngày. Hiện tượng này làm cho bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe. Bệnh nhân cần đi khám để được đánh giá tổng quan và tìm nguyên nhân bệnh để dùng thuốc đúng cách.
4. Tiểu đường bị rối loạn tiêu hóa tại túi mật
sỏi mật trong đường mật và túi mật cũng là 1 trong những biến chứng hay gặp khi bị rối loạn tiêu hóa ở người lớn. Bình thường khi ăn, túi mật sẽ tiết ra dịch mật vào ruột để giúp tiêu hoá thức ăn, khi đường máu tăng cao ở bệnh nhân tiểu đường nhiều năm sẽ làm cho khả năng co bóp của túi mật bị suy giảm gây ứ mật. Điều này sẽ làm tiêu hoá kém đi, hấp thu giảm và nặng hơn là ứ mật dẫn đến hình thành sỏi túi mật gây viêm túi mật. Chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm là phương thức đơn giản để tìm sỏi trong túi mật.
5. Đại tràng và trực tràng
Đại tràng: Bệnh nhân thường có những biểu hiện như: táo bón và đau vùng bụng dưới, gặp khoảng 25% số bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1 cũng như type 2. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân gây ra táo bón khác cần phân biệt rõ ràng như: Bệnh suy tuyến giáp; rối loạn điện giải trong máu…Nguyên nhân do dùng các thuốc gây táo bón như: Thuốc ngủ, thuốc tăng huyết áp, thuốc trầm cảm…Bệnh nhân cần được khám xét cẩn trọng đồng thời cũng thông báo cho bác sĩ các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang dùng để phân định nguyên nhân bệnh cụ thể từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Trực tràng: Đây là đoạn cuối cùng của đường tiêu hóa, bình thường khi khối lượng phân đủ nhiều trong trực tràng sẽ tạo ra tín hiệu báo lên thần kinh trung ương rằng ta cần phải đi đại tiện. Khi đó cơ thắt trực tràng sẽ giãn ra và cùng với phản xạ có điều kiện khác để tống phân ra ngoài. Với bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh thì phần lớn bệnh nhân đều cảm giác có phân trong trực tràng nhưng không thể kìm hãm sự tống phân một cách chủ động. Đây là điều khiến cho bệnh nhân rất tự ti và mặc cảm, thấy bất tiện khi đi ra khỏi nhà. Có khoảng trên 18% số bệnh nhân đái tháo đường lâu năm có biến chứng này.