Tiểu đường có thể gây tổn hại đến mắt của bạn, qua thời gian dần gây mất thị lực và có nguy cơ mù lòa. Tuy nhiên, nếu bạn biết kiểm soát đường huyết tốt thì hoàn toàn có thể cải thiện được. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về bệnh võng mạc đái tháo đường.
Mục lục
1. Tiểu đường ảnh hưởng lên mắt như thế nào?
Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân thường gặp nhất gây mất thị lực ở người mắc đái tháo đường. Tình trạng này là do đường huyết cao làm tổn hại các mạch máu ở võng mạc (là lớp tế bào nhạy cảm ánh sáng ở phía sau cầu mắt). Các mạch máu bị tổn thương này có thể bị phù lên và thoát dịch, gây ra nhìn mờ hoặc ngăn chặn dòng máu nuôi đến mắt. Đôi khi có các mạch máu tân sinh phát triển, nhưng những mạch máu này không bình thường và thậm chí có thể gây ra các vấn đề thị lực khác. Bệnh võng mạc đái tháo đường thường ảnh hưởng cả hai mắt.
Bệnh võng mạc do đái tháo đường có thể dẫn đến các bệnh lý về mắt khác nghiêm trọng như:
● Phù điểm vàng do đái tháo đường (DME): Theo thời gian, khoảng 1 trong 15 người mắc đái tháo đường sẽ bị mắc phù điểm vàng do đái tháo đường. Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu ở võng mạc bị thoát dịch vào điểm vàng (là một phần quan trọng của võng mạc cần thiết cho vùng thị trường trung tâm và tạo hình ảnh sắc nét). Tình trạng thoái hóa này gây ra nhìn mờ.
● Cườm tân sinh mạch: Bệnh võng mạc do đái tháo đường có thể khiến các mạch máu tăng bất thường ở võng mạc và ngăn chặn việc thoát dịch khỏi mắt. Tình trạng này gây ra cườm (một nhóm bệnh của mắt mà có thể gây mất thị lực và mù).
● Bong võng mạc: Bệnh võng mạc do đái tháo đường có thể gây ra sẹo hình thành ở phần sau của mắt. Khi các sẹo này kéo phần võng mạc ra khỏi thành sau của mắt, nó gây ra bệnh lý bong võng mạc do co kéo.
2. Yếu tố nguy cơ cho bệnh võng mạc đái tháo đường
Bất kỳ ai mắc đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2, hoặc đái tháo đường thai kỳ đều có thể bị bệnh võng mạc đái tháo đường. Thời gian mắc đái tháo đường càng lâu trước đó, nguy cơ bị bệnh võng mạc đái tháo đường lại càng cao. Những yếu tố nguy cơ sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này:
● Mức đường huyết, huyết áp hoặc mỡ máu quá cao.
● Hút thuốc lá.
2.1 Các giai đoạn của bệnh võng mạc đái tháo đường
Giai đoạn sớm (không tăng sinh): thành mạch máu ở võng mạc bị suy yếu và phù nề, tạo ra các túi phình li ti (bạn sẽ không thể nhận thấy trên thực tế, nhưng chuyên gia y tế chuyên khoa mắt có thể phát hiện được). Những túi này gây chảy máu và thoát dịch, tình trạng này có thể gây phù một phần của võng mạc gọi là điểm vàng (phù điểm vàng) và làm thị lực bị ảnh hưởng. Phù điểm vàng là nguyên nhân gây mù thường gặp nhất ở người mắc bệnh võng mạc đái tháo đường. Khoảng một nửa số bệnh nhân có bệnh võng mạc đái tháo đường sẽ bị phù điểm vàng.
Giai đoạn nặng (tăng sinh): trong giai đoạn này, võng mạc bắt đầu phát triển các mạch máu mới. Những mạch máu này lại dễ bị tổn thương và thường chảy máu vào dịch kính (chất dịch trong suốt trong mắt bạn, ở giữa thủy tinh thể và võng mạc). Với những điểm vi xuất huyết này, bạn có thể cảm thấy có những điểm tối trôi nổi trong thị trường của mắt mình. Nếu tình trạng chảy máu nhiều, thị trường của mắt có thể bị giới hạn hoàn toàn.
3. Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?
Bạn sẽ thường không để ý và phát hiện được bệnh võng mạc do đái tháo đường ở giai đoạn sớm vì thường không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào mãi cho đến khi tình trạng chuyển biến nặng hơn.
3.1 Các triệu chứng ở giai đoạn nặng bao gồm:
● Nhìn mờ.
● Điểm hoặc mảng tối trôi nổi trong thị trường của mắt.
● Khó khăn khi phân biệt màu sắc.
● Vùng tối hoặc vùng trống không thể nhìn thấy trong thị trường của mắt.
● Mất thị lực.
Tuy vậy, những dấu hiệu sớm có thể được phát hiện thông qua chụp và soi đáy mắt (khám võng mạc tầm soát ở người mắc đái tháo đường).
3.2 Các triệu chứng gợi ý như là:
● Thị lực bị suy giảm dần.
● Mất thị lực đột ngột.
● Vệt đen trôi nổi trong thị trường của mắt bạn.
● Thị lực bị nhòe hoặc thị trường thu hẹp lại.
● Mắt bị đau hoặc đỏ.
● Khó nhìn trong tối.
Những triệu chứng này không nhất thiết có nghĩa là bạn đã mắc bệnh võng mạc do tiểu đường, nhưng điều quan trọng là bạn cần đi khám với chuyên gia y tế chuyên khoa nếu có các triệu chứng gợi ý này để được tư vấn và theo dõi hướng điều trị trong tương lai. Đó là lí do quan trọng của việc khám mắt có nhỏ thuốc giãn đồng tử ít nhất 1 lần mỗi năm để phát hiện sớm bất kỳ vấn đề về mắt nào, lúc này điều trị mới có hiệu quả cao nhất.
3.3 Tầm soát bệnh lý về mắt ở người tiểu đường như thế nào?
Bất kỳ người mắc đái tháo đường nào từ 12 tuổi trở lên cũng nên được tầm soát bệnh lý mắt mỗi năm. Việc tầm soát này là cần thiết vì:
● Bệnh này có xu hướng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn sớm của bệnh.
● Tổn thương võng mạc có thể gây ra mù vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
● Tầm soát có thể giúp phát hiện các vấn đề ở mắt trước khi chúng có thể gây ảnh hưởng lên thị lực.
● Nếu phát hiện vấn đề sớm, điều trị có thể giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ mất thị lực.
Xét nghiệm tầm soát bao gồm soi đáy mắt và chụp hình đáy mắt bằng máy chuyên dụng. Tùy thuộc vào kết quả, bạn sẽ được tư vấn tiếp tục theo dõi và lặp lại xét nghiệm sau 1 năm, hoặc thăm khám chuyên sâu hơn, hoặc tham vấn điều trị ngay với chuyên gia y tế chuyên khoa.
Điều trị bệnh võng mạc do đái tháo đường có thể sửa chữa được tổn thương trên mắt và thậm chí ngăn ngừa mù lòa ở hầu hết các bệnh nhân. Điều trị có thể bắt đầu trước khi thị lực của bạn bị ảnh hưởng, điều này sẽ giúp ngăn ngừa mất thị lực. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
● Liệu pháp laser (còn gọi là laser quang đông). Biện pháp này tạo ra một hàng rào mô sẹo làm chậm sự tăng sinh các mạch máu mới bất thường.
● Các thuốc nhóm thuốc ức chế VEGF, có thể làm chậm hoặc đảo ngược bệnh võng mạc do tiểu đường.
● Bóc tách bỏ tất cả hoặc một phần lớp dịch kính.
● Phẫu thuật gắn lại võng mạc (cho biến chứng bong võng mạc).
● Các thuốc tiêm như là corticosteroids.
Làm sao để giảm nguy cơ mắc bệnh?
Bạn có thể bảo vệ thị lực và giảm nguy cơ mất thị lực bằng các cách sau:
● Khám mắt định kỳ hằng năm: kiểm tra soi đáy mắt có thuốc giãn đồng tử.
● Giữ mức đường huyết trong giới hạn mục tiêu điều trị tối đa có thể. Dần dần, đường huyết cao sẽ khiến các mạch máu trong mắt bạn bị tổn thương, gây ảnh hưởng lên hình dạng của thủy tinh thể khiến bạn nhìn mờ.
● Giữ mức huyết áp và mỡ máu trong giới hạn mục tiêu điều trị để giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt và mất thị lực. Điều này cũng tốt cho sức khỏe tổng quát của bạn.
● Ngưng hút thuốc lá.
● Duy trì tập luyện thể dục thường xuyên. Giữ lối sống năng động.
4. Kết luận
Các bệnh về mắt do biến chứng của tiểu đường bao gồm bệnh võng mạc, phù điểm vàng, đục thủy tinh thể và cườm. Tất cả các bệnh này đều có thể gây mất thị lực, nhưng chẩn đoán sớm và can thiệp điều trị kịp thời sẽ giúp bảo vệ thị lực của bạn.
Do đó, để hạn chế các nguy cơ biến chứng, việc ổn định đường huyết là một trong những yếu tố quan trọng. Tuân thủ nguyên tắc kiềng 3 chân hỗ trợ bạn kiểm soát tốt đường huyết bao gồm: dinh dưỡng, tập luyện và sử dụng thuốc theo chỉ định của chuyên gia y tế. Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối với thực đơn giàu rau củ và trái cây sẽ có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kết hợp sử dụng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệtcho người mắc đái tháo đường với hệ bột đường tiên tiến được tiêu hóa từ từ, giúp kiểm soát tốt đường huyết. Ngoài ra, người mắc đái tháo đường cũng cần có chế độ tập luyện điều độ. Bạn nên vận động mỗi ngày ít nhất 30 phút với các bài tập tăng cường thể lực. Và cuối cùng, bạn cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của các chuyên gia y tế để quản lý đái tháo đường hiệu quả.
- [Giải đáp] Người tiểu đường có ăn được mì tôm không?
- Lưu ý, Lượng Protein Tối Ưu Cho Người Bệnh Tiểu Đường
- Tiểu đường thai kỳ uống hạt chia được không?