HbA1c là chỉ số xét nghiệm phản ánh nồng độ đường trong máu trong thời gian 60-90 ngày. Nó phản ánh việc bệnh nhân có kiểm soát đường huyết thật sự tốt hay không trong một khoảng thời gian tới 03 tháng chứ không phải chỉ sau ăn 2 giờ. Tuy nhiên, có một thực tế là khi mắc bệnh đái tháo đường, nhiều người thường nghĩ chỉ cần kiểm soát đường huyết lúc đói hoặc sau ăn mà quên đi chỉ số phản ánh trung thực trong điều trị bệnh Đái tháo đường này.
Thước đo hữu ích cho việc xác định tình trạng Đái tháo đường và kiểm soát đường huyết
Chỉ số HbA1c dùng để thể hiện lượng hemoglobin (huyết sắc tố) liên kết với glucose – một loại đường, là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Khi đo HbA1c, bác sĩ sẽ có được bức tranh tổng thể về mức đường huyết trung bình của một người trong một khoảng thời gian tới 3 tháng, giúp xác định người đó có bị Đái tháo đường hay không.
Giá trị chẩn đoán của chỉ số HbA1c:
Thấp hơn 5.7%: Mức glucose huyết bình thường
5.7% – 6.4%: Tiền Đái tháo đường
6.5% hoặc cao hơn: Đái tháo đường
HbA1c cũng là thước đo giúp bác sĩ biết được việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh tốt hay chưa. Có một thực tế đáng buồn là nhiều bệnh nhân đái tháo đường khi làm test nhanh và thấy đường huyết vẫn dưới ngưỡng là nghĩ rằng mình đã kiểm soát được bệnh, trong khi cơ thể đã xuất hiện các biến chứng mà không biết. Chỉ khi thực hiện xét nghiệm HbA1c thì mới phát hiện bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt.
Chỉ số đường huyết lúc đói và sau ăn hai giờ thường là một căn cứ mà người bệnh Đái tháo đường hay dùng để biết mình có kiểm soát tốt đường huyết hay không. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ. Theo các chuyên gia, chỉ số này chỉ cung cấp thông tin về lượng đường trong máu ngay tại thời điểm thử. Mức đường huyết lúc đó thấp không đồng nghĩa với việc bệnh đã được kiểm soát tốt và không xảy ra biến chứng. Chỉ có xét nghiệm HbA1c mới phản ánh chính xác nồng độ đường trong máu trong thời gian 2 đến 3 tháng. Đây mới là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra kế hoạch điều trị cho người bệnh đái tháo đường.
Làm sao để đạt được HbA1c <7%?
Duy trì chỉ số HbA1c nhỏ hơn 7% thể hiện bệnh nhân điều trị bệnh hiệu quả, giúp hạn chế biến chứng của bệnh. Để đạt được, cần tuân thủ việc điều trị và thay đổi lối sống.
1 Ăn đủ bữa: Khi bị đái tháo đường, bạn không được bỏ bữa khiến cơ thể cảm thấy quá đói. Khi đó bạn dễ ăn nhiều, cùng lúc nạp lượng lớn năng lượng vào cơ thể. Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, kèm những bữa ăn nhẹ sẽ giúp tránh nguy cơ trên, ổn định mức glucose máu.
2. Hạn chế đường, muối, chất béo bão hòa
Lượng muối ăn tiêu chuẩn ở người trưởng thành là 1500-2300 mg/ngày.
Thay vào đó, bạn có thể hấp thụ một lượng vừa phải chất béo không bão hòa (có trong các loại hạt, cá, quả bơ…) và lượng đường phù hợp với mức glucose máu của bản thân.
3. Uống đủ nước mỗi ngày: Nước là yếu tố cần thiết cho mọi hoạt động sống trong cơ thể. Đặc biệt, nước lọc cũng không hề ảnh hưởng đến mức glucose máu trong cơ thể bạn. Ngược lại, bạn cần hạn chế các thức uống có đường và bia rượu (không quá 1 ly mỗi ngày).
4. Ăn uống kết hợp luyện tập thể dục thể thao: cơ thể bạn sẽ hấp thụ dinh dưỡng tối ưu nhất khi kết hợp với hoạt động thể dục thể thao.
Ăn uống đủ chất, năng lượng cho cơ thể vận động là chìa khóa giúp người đái tháo đường kiểm soát cân nặng và mức glucose máu.
Chỉ số chỉ số HbA1c càng cao, nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh càng lớn. Do vậy, người mắc bệnh Đái tháo đường cần hiểu về chỉ số HbA1c <7% và chủ động hỏi bác sĩ về chỉ số này để lên kế hoạch điều trị phù hợp. Bệnh nhân nên kiểm tra chỉ số HbA1c 3 tháng một lần để bác sĩ có thể kịp thời điều chỉnh kế hoạch điều trị và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Bên cạnh đó, cần tuân thủ 04 nguyên tắc vàng trong dinh dưỡng và tập luyện nêu trên cũng như tuân thủ điều trị để có thể kiểm soát bệnh Đái tháo đường một cách tốt nhất.